
Nuôi tôm crayfish ở văn phòng: Siêu tiện!! (và cũng rất vui)
Nếu bạn cảm thấy nuôi cá hoặc làm bể cá cảnh ở văn phòng là chuyện quá bình thường, hãy thử nuôi crayfish xem. Đảm bảo đây là trải nghiệm khá hay ho.
NỘI DUNG CHÍNH
Mua crayfish về nuôi ở văn phòng
Chuyện bắt đầu khi mình làm 1 bể cá cỡ to nên thừa 1 cái bể cỡ nhỏ (27x17x19cm) ở văn phòng. Vì lười làm thêm 1 bể cá nữa và cũng ngại mua thêm đồ thủy sinh, mình quyết định tìm con gì đó dễ nuôi, dễ sống, không cần thay nước nhiều và quan trọng nhất là nhìn hay ho.
Sau 1 hồi cân nhắc, mình phát hiện ra ứng viên phù hợp nhất là TÔM CRAYFISH.
Nghĩ là làm, mình bắt đầu cycle nước và tìm chỗ để mua luôn. Mình vào hội crayfish trên facebook và chọn mua 1 chú volcano crayfish với giá 250k/size 12.

Thả cray vào bể khá đơn giản vì chúng nó khá khỏe, à và tất nhiên bể mình cũng lọc 1 tuần rồi. Sau khi thả thì mình có quay clip lại (ở dưới):
Bạn nào đi làm thì cũng biết rồi, mọi người đều hứng thú với những thứ mới, đặc biệt là động vật. Thả cray xong mọi người sẽ xúm vào hỏi đây là con gì, cho ăn gì, tuổi thọ bao lâu, sao nó lại có màu này, bao nhiêu tiền,… Kết thúc màn chào hỏi thì mình thử cho cray ăn rong đuôi chó và nó chén khá là ngon lành :)).

Lúc đầu mình có tìm hiểu thì thấy nhiều người hay đặt 1 cái ống gốm hoặc ống nhựa để tôm chui vào. Đúng là chúng nó thích chui vào thật. Nhưng vấn đề ở chỗ khi chui vào tôm sẽ ở luôn trong đấy không ra nữa, rất khó ngắm. Trong 2 tuần đầu mình vẫn để cái hộp cho tôm trú. Một hôm ra hàng tôm cray thấy người ta nuôi chẳng cần hộp trú gì cả, thế là mình bỏ ra luôn.
Mình có thả thêm ít ốc để nó ăn. Đây là lúc mình thử chiếu đèn chihiros sang xem màu cray trông thế nào. Khá đẹp phải không :))
Nuôi cray có khó không?
Không khó các bạn ạ, theo mình thấy đây là loài dễ nuôi nhất quả đất rồi. Từ lúc nuôi tới giờ tầm 3 tháng, hầu như không thấy cray mắc bệnh gì, phàm ăn và ăn tạp. Con cray này đã ăn rất nhiều xác cá, cả tươi cả khô, ăn đồ ăn công nghiệp và rau cỏ. Kể cả lúc nước bẩn hoặc đục một chút cũng chả vấn đề gì. Cray sẽ dùng chân ở ngay mồm để bào và cắt thức ăn (còn cái càng to chỉ để cắp thôi).

Có một điều mình cần lưu ý là có vẻ lọc thác không thể cân được lượng chất thải mà tôm thải ra. Trong bể lúc nào cũng có nhiều vết bẩn và nước không được sạch lắm. Để giải quyết vấn đề này mình đã lắp thêm 1 cái lọc thác nữa =))).

Một số tập tính của crayfish
Về chế độ ăn, hôm nào đến công ty thì mình cho tầm 3-4 viên thức ăn công nghiệp. Nếu có xác cá thì cho ăn bớt lại. Cuối tuần hầu như không cho ăn thành ra mỗi sáng thứ 2 đến đều thấy cray giơ càng “đòi ăn” (không biết có đúng không nhưng mình đoán vậy :)). Còn một tập tính nữa là khi không có chỗ trú ẩn cray có vẻ hung hăng hơn bình thường. Khi cho que vào chọc cray sẽ giơ càng cắp khá khỏe.

Để cray có “bạn”, mình có thả tầm chục bé thanh mai vào bể, tới nay không hiểu bằng cách thần kì nào vẫn còn 2 con sống sót :))).

Tổng kết
Mình thấy nuôi crayfish khá đơn giản, tập tính sinh hoạt hay ho (à còn vụ lột vỏ nhưng mà để bài khác :))) ). Nếu các bạn lăn tăn về việc làm bể đơn giản thì có thể nuôi tôm crayfish nhé. Chính ra tiền mua tôm còn rẻ hơn nhiều mua cá tép phổ thông (toàn bọn bé tí mà dễ chết). Nuôi tôm crayfish thì đúng nghĩa là chỉ cần lọc ổn + thay nước là sống phà phà.
Bonus thêm cái ảnh chỗ ngồi của mình:

Chúc các bạn nuôi crayfish vui. Nếu có câu hỏi thì các bạn để lại bình luận nhé!
Cảm ơn các bạn đã đọc bài.


2 bình luận
Pingback:
Pingback: