
Tổng hợp dụng cụ làm bể thủy sinh đơn giản (2021)
NỘI DUNG CHÍNH
Bể thủy sinh là gì?
Rất vui được chào đón các bạn đến với thế giới thủy sinh của chúng mình. Trong bài này cũng như xuyên suốt cả trang web, mình sẽ cung cấp các thông tin theo hướng Eli5 (viết tắt của: Explain Like I’m 5 – cách giải thích đơn giản đến một đứa trẻ 5 tuổi cũng có thể hiểu).
Hi vọng với những kiến thức này, các bạn có thể tự mình làm những chiếc bể thủy sinh theo ý thức, cũng như có thể giải thích cho người thân, bạn bè, trẻ nhỏ xung quanh mình.
Tại sao lại gọi là bể thủy sinh?
Khái niệm “bể cá” nhìn chung để chỉ bể chứa nước để nuôi cá và các loại sinh vật khác, nhưng bể cá có rất nhiều kiểu chơi khác nhau.
Một số kiểu chơi bể chúng ta thường bắt gặp nhất là bể cá rồng, bể cá la hán, bể cá thùng xốp, bể nuôi tép, bể bán cạn và bể thủy sinh. Mỗi kiểu chơi, cách thiết kế bể đều có mục đích, dụng cụ, phương pháp làm bể khác nhau.
Trong bài viết, khái niệm “bể thủy sinh” sẽ dùng để chỉ các loại bể nước ngọt, có đất nền (hoặc phân nền), có trồng các loại cây thủy sinh, có nuôi cá/tép, có bố cục cơ bản với đá và lũa (1 loại gỗ chuyên dùng cho thủy sinh), phù hợp cho văn phòng và gia đình.

Sau đây là bài viết hướng dẫn cách làm bể thủy sinh đơn giản, gọn lẹ, nhanh chóng nhất. Mình sẽ nêu các lựa chọn theo mình là tối ưu nhất cho người mới bắt đầu.
Bài viết dựa trên kinh nghiệm làm bể cho bản thân và khách hàng, vì vậy có thể có những điểm không hợp ý với những người chơi thủy sinh chuyên nghiệp.
Các bài chi tiết hơn về từng nguyên liệu, lí do chọn nguyên liệu đó sẽ được viết đầy đủ trong link đính kèm.
Nguyên liệu làm bể thủy sinh
Bể cá
Đối với người mới bắt đầu, mình khuyến khích các bạn mua bể dán dấu keo, kích thước dài 30cm/40cm, kính thường/kính Việt Nhật với độ dày khoảng 5 ly. Loại bể này rất dễ mua ở các hàng thủy sinh, gần như hàng nào cũng bán.
Lý do cho việc chọn loại bể này được giải thích chi tiết TẠI ĐÂY.

Lưu ý:
– Về cách đọc kích thước của bể, chúng ta có thể nói gọn theo số đầu tiên theo thứ tự Dài-Rộng-Cao (viết tắt: DRC). Ví dụ, ra hàng thủy sinh nói muốn mua bể “433” nghĩa là cần bể có kích thước 40x30x30cm.
– Một số kích thước phổ thông hiện tại là 30x18x24, 30x20x25, 40x30x30, 35x20x23, 30x30x30 (còn gọi là Cubic 30 vì các cạnh dài bằng nhau, bể sẽ có hình vuông), 40x40x40 (Cubic 40)…
– Các loại phụ kiện khác có thể thay thế dễ dàng, nhưng bể thì gần như không thể thay thế. Vì vậy mọi người nên cân nhắc kĩ trước khi chọn kích thước bể (nhiều khách của mình sau khi mua bể bé đã hối hận haha).
Lọc
Các bạn nên chọn dòng lọc treo HBL-801, 802, 803 tùy kích thước bể.
Ba loại này về cơ bản thì y hệt nhau, chỉ khác về kích thước các ngăn lọc. Lọc này cũng rất rất phổ biến ở các cửa hàng thủy sinh.
Lý do cho việc chọn loại lọc này được giải thích chi tiết TẠI ĐÂY.

Về việc có cần dùng sủi oxy hay không, mình nghĩ là không cần thiết lắm, nếu có thì tất nhiên sẽ tốt hơn.
Lưu ý:
Rất nhiều người mua lọc về thấy không chạy và cho rằng lọc hỏng. Thực ra lọc không hỏng mà các bạn cần phải mồi nước cho lọc, tức là đổ đầy nước vào các ngăn chứa trước khi cắm điện. Cắm xong lọc sẽ bắt đầu chạy (có tiếng xè xè một lúc tầm 10s-30s tùy), sau đó sẽ chạy rất êm.
Vật liệu lọc
Vật liệu lọc là một khái niệm lạ đối với những người chưa tìm hiểu thủy sinh bao giờ. Loại vật liệu này có cấu trúc đặc biệt để làm nơi trú ẩn cho vi sinh vật xử lí nước. Đây là phần không thể thiếu của một bể cá, mình nhấn mạnh là KHÔNG THỂ THIẾU. Các bạn có thể gặp mọi loại bể cá, bể thủy sinh, có thể những bể này thiếu một số nguyên liệu mình liệt kê tại đây, nhưng chắc chắn không thể thiếu vật liệu lọc.

Đối với bể thủy sinh đơn giản, khuyến khích các bạn sử dụng vật liệu lọc như bông lọc, matrix, substrate hoặc Neo.
Lý do cho việc chọn các loại vật liệu lọc này được giải thích chi tiết TẠI ĐÂY.
Đèn
Đèn là một vấn đề khá phức tạp, vì vậy mình có một vài gợi ý cho các bạn lựa chọn: Led đĩa XinMa 20W (trắng hoặc RGB, mình thích RGB hơn), đèn máng Odyssea, đèn rọi (2 cái), đèn kẹp (1-2 cái tùy kích thước bể) và đèn chế WRGB.
Nếu kinh tế dư dả, các bạn có thể tham khảo các loại đèn thuộc phân khúc cao cấp như Chihiros WRGB 2 30cm, Netlea RGB 40.


Lý do cho việc chọn các loại đèn trên được giải thích TẠI ĐÂY.
Phân nền
Như đã nói ở trên, đây là bài hướng dẫn làm bể thủy sinh nên chắc chắn mình sẽ dùng phân nền. Mình đã dùng qua 1 số loại phân nền phổ thông và thấy phân nền Gex xanh khá ổn. Tùy vào kích thước và layout của bể, các bạn có thể mua từ 1-4 kg phân nền.
Nếu có điều kiện, các bạn có thể cân nhắc tới các dòng phân nền của hãng ADA.

Lý do cho việc chọn loại phân nền nói trên được giải thích TẠI ĐÂY.
Vi sinh
Vi sinh trong bài này là các loại vi sinh có lợi cho việc xử lí nước, có tác dụng phân hủy khí độc, chất thải, giúp nước ổn định. Vi sinh có nhiều loại, phổ biến nhất là vi sinh bột, vi sinh nước. Để bể thủy sinh ổn định thì bắt buộc phải có vi sinh.
Mình thường sử dụng vi sinh nước Extra Bio. Vi sinh này được bán theo chai, mua chai càng to càng rẻ (tất nhiên).

Lý do cho việc chọn loại vi sinh này được giải thích TẠI ĐÂY.
Đá, lũa
Đây là phần phụ thuộc vào sở thích của từng người, vì vậy mình sẽ để các bạn tự chọn. Dưới đây là một số mẫu bể chúng mình đã làm để các bạn tham khảo.
Đá mình thường sử dụng là đá xanh vân trắng, đá đen Gia Lai, đá da voi. Ngoài ra còn có rất nhiều loại đá đẹp khác.
Lũa là những phần gỗ đã được xử lí đặc biệt để trang trí hồ thủy sinh. Có rất nhiều loại lũa, các bạn có thể tự chọn tại các cửa hàng thủy sinh. Tuy nhiên cần đặc biệt lưu ý là phải ngâm oxy già hoặc luộc qua nước sôi để lũa phai bớt màu (không thì bể của các bạn sẽ nhuốm màu vàng nâu).
Trên đây là những nguyên liệu cốt lõi để làm một bể thủy sinh đơn giản. Còn dưới đây là các phụ kiện để các bạn tham khảo thêm, tất nhiên cũng sẽ có các bài viết chi tiết đi kèm (update dần nha…).
– Chân sắt để bể cá, chân ốp gỗ MDF
– Bình CO2, van điện, trộn CO2
– Cốc đo nồng độ CO2
– Decal dán bể (màu đơn hoặc tranh in)
– Tấm cao su non lót bể (đề phòng bề mặt đáy bể bị gồ ghề gây nứt vỡ)
– Vật liệu lọc Purigen (có hiệu quả khiến nước trở nên trong vắt, hút màu phai ra từ lũa)
– Ổ cắm hẹn giờ
– Kéo cắt thủy sinh
– Vợt, nhíp
– Giá treo đồ thành bể
– Hút đáy bể
– Keo dán thủy sinh
– Dây cước
Trên đây là tổng hợp dụng cụ làm bể, các bạn có thể xem hướng dẫn làm bể và cách chăm sóc bể để tiếp tục tìm hiểu thêm nhé.
Chúc các bạn thành công!
Tác giả: Đạt

11 bình luận
Pingback:
Pingback:
Pingback:
Pingback:
Pingback:
Pingback:
Pingback:
Pingback:
Pingback:
Pingback:
Pingback: