Bể cỡ lớn

Hướng dẫn làm bể thủy sinh phong cách Hà Lan (2021)

Bể thủy sinh phong cách Hà Lan là bể sử dụng đa dạng cây thủy sinh để tạo ra các khoảng màu và hình dáng độc đáo. Bể Hà Lan luôn thu hút sự chú ý của người ngắm bởi màu sắc sặc sỡ của cây trồng.

Tuy nhiên, để làm bể và chăm sóc bể cần những kĩ thuật và kinh nghiệm khá khó tiếp cận với người mới. Bài viết dưới đây sẽ giúp các bạn làm bể Hà Lan đầu tay của riêng mình.

Nguyên liệu làm bể

Phần này các bạn có thể google để tìm hình ảnh nguyên vật liệu nhé.

  1. Bể 60x40x40 kính thường
  2. Chân bể (cần thiết), ở đây mình dùng chân 60x40x70 (để chứa lọc thùng và bình Co2)
  3. Tầm 30-40 bó cây thủy sinh cắt cắm, gồm vảy ốc xanh bò, vảy ốc đỏ, diệp tài hồng, thủy cúc, rau má hương,…
  4. Decal đen dán mặt sau bể
  5. Lọc thùng CP 800
  6. Vật liệu lọc: matrix, bông lọc
  7. Đèn Week Raptor WRGB 60cm
  8. 15kg phân nền gex xanh + 2kg cốt nền Vũ Aqua
  9. Lọc váng + bông lọc
  10. Bình CO2, van điện mufan, cốc sủi
  11. Ổ điện hẹn giờ
  12. Chai vi sinh nước
  13. Phụ kiện: cốc đo nồng độ CO2, nhíp chuyên dụng, kéo cắt cây thủy sinh
  14. Nước :))
Đi mua cây nên chọn các cây khỏe, ít lá héo nhé các bạn.

Cách làm bể Hà Lan

Chuẩn bị

  • Dán decal đen vào mặt sau của bể (để tăng tính tương phản)
  • Rửa vật liệu lọc, cho vật liệu lọc vào lọc thùng
  • Lắp đèn
  • Lắp van điện vào bình Co2
  • Hẹn giờ cho ổ cắm điện hẹn giờ (ở đây mình dùng 2 ổ cắm điện, 1 ổ cho Co2 từ 8h sáng đến 4h chiều, 1 ổ cho đèn từ 9h sáng đến 5h chiều)

Thực hiện

  • Đổ CỐT NỀN vào giữa bể
  • Đổ toàn bộ phân nền vào bể, sao cho che kín phần cốt nền
  • Dùng tay hoặc thước gạt tạo độ dốc cho phân nền (phía sau cao, phía trước thấp)
  • Cho 1 ít nước (ngang chiều cao của phân nền) vào bể để tạo độ kết dính
  • Phân lô cây và bắt đầu trồng
Vẽ sơ bộ để dễ hình dung bố cục hơn.
Sau này cắm quen tay rồi có thể không cần phân lô nữa :))))
  • Các bạn dùng nhíp kẹp vào gốc cây, sau đó cắm sâu xuống dưới nền, nhả nhíp ra
  • Sau khi đã hoàn thành, các bạn đặt 1 túi nilong lên bên trên và bắt đầu đổ nhẹ nhàng nước lên túi (để tránh làm động nền)
  • Đặt đèn lên thành bể (nhớ cắm vào ổ điện hẹn giờ, nếu đèn của các bạn không có chế độ hẹn giờ sẵn)
  • Gắn đầu in-out của lọc vào thành bể, kéo cần mồi nước (đối với lọc thùng), lọc chạy 24/24 nhé các bạn
  • Gắn sủi Co2 vào bể, mở van từ từ (cũng cắm vào ổ điện hẹn giờ)
  • Thêm vi sinh theo hướng dẫn trên lọ vi sinh
  • Chiêm ngưỡng thành quả :)) (dù chưa có gì đâu :))

Chăm sóc

Chăm sóc bể Hà Lan không phải việc đơn giản, nhưng có thể hạn chế được rủi ro bằng cách:

  • Theo dõi tình trạng bể, đặc biệt chú ý về rêu hại. Đối với rêu hại bám kính, bạn có thể lau bằng bông lọc. Đối với rêu hại tấn công cây còn yếu, các bạn nên mua ốc nerita, cá bút chì, tép yamato để xử lí.
  • Liên tục bổ sinh vi sinh trong những tuần đầu để môi trường nước nhanh ổn định (1 tuần châm vi sinh 2-3 lần là ít nhất, thậm chí 4 lần).
  • Thay 30% nước ít nhất 2 lần trong tuần đầu, những tuần sau 1 lần/1 tuần.
Bể sau khi vừa trồng xong
Và sau 1 tuần.
  • Khi cây mọc gần chạm mặt nước, nên cắt ở mức 3/4 cây rồi trồng lại đoạn vừa cắt xuống nền. SAU 1 NGÀY CẮT NÊN THAY NƯỚC để tránh rêu hại.
  • Quan sát mức Co2 trong nước đã đủ chưa (theo như màu sắc trong bộ dụng cụ đo), nếu chưa thì tăng, nếu dư rồi thì giảm.
  • Thêm cá vào từ từ, không nên nóng vội. KHÔNG MUA CÁC DÒNG CÁ DỮ, CÁ SỤC NỀN. Bể Hà Lan chỉ phù hợp với cá nhỏ, ứng cử viên tốt nhất là cá neon, cá sọc ngựa, diếc anh đào.
  • Nên giữ nhiệt độ ổn định, tốt nhất là từ 23-28 độ.
  • Nên tìm hiểu về các loại cây thủy sinh để nắm rõ cách trồng, cách xử lí khi cây gặp vấn đề (yếu, bệnh).

Thành quả

Sau 2 tuần đã cắt tỉa 1 chút.
Version 2 :))). Còn lí do tại sao có version 2 mình sẽ viết ở 1 bài khác nhé!

Chúc các bạn thành công!

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: Content is protected !!