Dụng cụ làm bể

Hướng dẫn chọn lọc cho bể thủy sinh

Máy lọc là một bộ phận không thể thiếu trong bể thủy sinh. Việc chọn lọc phù hợp với bể của mình là rất quan trọng, bài viết này sẽ giúp bạn chọn lọc tốt nhất. Trước khi đi vào chọn lựa loại lọc cụ thể, mình sẽ giới thiệu sơ qua về cơ chế lọc trong hồ thủy sinh.

Cơ chế lọc

Trên thị trường hiện tại, có rất nhiều loại lọc cho các bạn lựa chọn, từ rẻ tới đắt. Có thể kể tên một số loại phổ thông như: lọc đáy, lọc tràn trên, lọc tràn dưới, lọc vách, lọc thác, lọc treo, lọc thùng, lọc bio,… Mỗi loại lọc có ưu điểm và nhược điểm riêng.

Tuy nhiên, dù là lọc gì đi chăng nữa, nó cũng chỉ tuân theo 3 cơ chế lọc như sau:

Lọc vật lý: Đây là kiểu lọc dễ nhìn thấy nhất. Về cơ bản, nó giống như bạn dùng vợt để vớt rác hoặc hoặc dùng bông lọc chặn chất bẩn trôi nổi trong nước.

Lọc hóa học: Hình thức lọc này sẽ dựa trên cơ sở phản ứng của các chất hóa học với nhau nhằm thanh lọc bể của bạn. Ví dụ, hút các chất tạo màu từ lũa gỗ, than hoạt tính giúp khử chất độc trong nước,…

Lọc sinh học: Hình thức này là thứ khiến người mới bắt đầu cảm thấy khó hiểu nhất. Lọc sinh học là việc bạn đem vi sinh vật có lợi (thông qua chế phẩm sinh học như vi sinh nước, vi sinh bột) vào bể thủy sinh của mình. Vi sinh vật sẽ “ăn” các chất bẩn, phân giải khí độc để làm bể của bạn sạch hơn, trong hơn, bớt mùi hơn.

Vật liệu lọc

Để nuôi vi sinh vật, các bạn sẽ cần một thứ gọi là “vật liệu lọc”, hay hiểu đơn giản là nhà cho vi sinh vật. Đọc bài chi tiết về vật liệu lọc TẠI ĐÂY. Có thể nói, việc lọc bể thủy sinh của bạn 99% phụ thuộc vào lọc sinh học và quản lí vi sinh. Tất cả các bể cá, dù với cách chơi và kích thước như thế nào cũng đều cần lọc sinh học nếu muốn nước ổn định, cá cây khỏe mạnh.

Việc nắm được 3 loại cơ chế lọc nói trên sẽ giúp các bạn rất nhiều trong việc mua lọc phù hợp với bể của mình. Đọc bài đầy đủ về bể thủy sinh tại đây.

Sau đây, mình sẽ giới thiệu cho các bạn 3 loại lọc phù hợp nhất cho bể thủy sinh đơn giản.

Đối với bể dài dưới 30 cm: Lọc thác

Đúng như tên gọi, lọc thác là loại lọc tạo ra dòng chảy như thác nước. Lọc sẽ hút nước từ dưới bể, đưa vào một ngăn chứa vật liệu lọc, sau đó chảy xuống tạo thành thác nước.

Đây là loại lọc nhỏ gọn, đặc biệt phù hợp cho bể kích thước nhỏ vì công suất vừa phải, không tốn điện, không ồn, dễ vệ sinh, và đặc biệt rất bền. Bạn có thể dùng lọc này đến lúc chán bể kích thước nhỏ mà nó vẫn chưa hỏng để bạn update lên bể to :)))).

Lọc thác mini bể cá | Shopee Việt Nam
Lọc thác là loại lọc hầu như ai bắt đầu chơi thủy sinh cũng sử dụng. Nhưng sau đó sẽ thấy không phù hợp nữa :)))

Đánh giá cơ chế lọc của lọc thác: Lọc vật lý gần như = 0 (do lưu lượng nước thấp), lọc hóa học = 0 (vì không có ngăn đựng lớn), lọc vi sinh khá yếu, nhưng đủ cho bể bé.

Tuy nhiên, sau 1 thời gian dùng lọc thác, mình muốn nhấn mạnh với các bạn là lọc thác chỉ đủ cho bể rất rất đơn giản, nếu nuôi nhiều cá hoặc cá to thì chất lượng nước sẽ xuống cấp rất nhanh chóng.

Lưu ý: Muốn lọc chạy thì phải đổ nước đầy vào ngăn lọc, nếu không lọc sẽ không chạy. À còn một điểm nữa, lọc thác sẽ bẩn rất nhanh. Tuy nhiên, các bạn đừng vệ sinh mấy cái bẩn đó vội. Cứ để 1-2 tháng vệ sinh một lần cũng được, lâu hơn cũng không sao.

Đối với bể từ 40cm-50cm: Lọc treo

Lọc treo là loại lọc có chiều cao khoảng 25cm, do đó bạn cần lưu ý mua bể có chiều cao cao bằng hoặc cao hơn lọc nhé.

Có thể nói lọc treo là phiên bản mini của lọc thùng bởi lọc treo có nhiều ngăn để chứa vật liệu lọc. Loại lọc treo phổ biến nhất hiện tại là HBL-801, 802 hoặc 803 (loại sau to hơn loại trước còn về cơ bản là như nhau). Lọc treo giúp bạn xử lí nước khá ổn, có nhiều phụ kiện đi kèm hoặc mua riêng (ví dụ như đầu ra nước hình mỏ vịt, đầu ra giàn mưa, lọc váng mua lẻ,…).

Lọc treo sunsun HBL-801 - Thủy Sinh Quán Trọ
Lọc treo, chiếc lọc cực kì phổ biến đối với những người chơi thủy sinh đơn giản.

Lọc treo có thể lọc nhiều hơn lọc thác khá nhiều cả về lưu lượng nước 1 giờ lẫn lượng vật liệu lọc để được trong các khay lọc. Theo trải nghiệm của mình, các bạn có thể mua từ 200ml-400ml vật liệu lọc cho các ngăn lọc của các loại lọc HBL.

Đánh giá cơ chế lọc của lọc treo: Lọc vật lý bình thường, lọc hóa học ổn (do có ngăn đựng đủ), lọc sinh học tốt.

Lưu ý: Vẫn cần mồi nước để lọc chạy, các bạn nên đổ đầy tới miệng ngăn lọc.

Đối với bể từ 60cm trở lên: Lọc thùng + Lọc váng

Lọc thùng

Lọc thùng là phiên bản to hơn, khỏe hơn của lọc treo và cũng là loại lọc hoàn thiện nhất. Nó sở hữu ngăn lọc rất lớn, lưu lượng nước từ 1.000l/h trở lên, do đó giúp đảm bảo nước trong bể của bạn luôn được lưu thông. Ngoài ra, lọc thùng cũng có thể kết nối với lọc phụ, trộn CO2 plantcare hoặc các phụ kiện khác tùy theo nhu cầu của các bạn.

Trên thị trường hiện tại, có khá nhiều hãng lọc thùng. Mình chưa trải nghiệm hết, nhưng gần đây mình mới mua lọc thùng CP-800 thấy khá ổn. Lọc thùng cũng cần đổ đầy nước và khác các lọc khác ở chỗ nó có một cái cần để mồi nước bằng tay.

Lọc thùng rất cần thiết cho bể kích thước to. Các bể lớn thậm chí cần thêm lọc thùng phụ, hoặc 2-3 lọc thùng là bình thường.

Đánh giá cơ chế lọc của lọc thùng: Lọc vật lý bình thường, lọc hóa học tốt (do ngăn đựng to), lọc sinh học tốt.

Lọc váng

Lọc váng là loại lọc hút nước từ bề mặt và thổi lại nước ra ở phần ngang bể. Loại lọc này tuy nhỏ nhưng khá hữu ích cho việc tạo ra dòng nước để đưa Oxy và khí CO2 đi khắp bể. Tuy nhiên đây chỉ là loại lọc phụ trợ và không thay thế được cho các loại lọc chính khác.

Nếu không sử dụng lọc váng, mặt nước của các bể to có khả năng sẽ bị bẩn.

Đánh giá cơ chế lọc của lọc váng: Lọc vật lý tốt (do hút được nhiều cặn bẩn, tạo dòng để lọc chính hút hết rác), lọc hóa học = 0, lọc sinh học gần như không có.

Lưu ý: Để lọc váng chạy được bạn phải dìm hẳn lọc vào trong nước (đưa cả dây điện vào trong nước nhé). Lọc váng có một cái khuôn bập bềnh để tạo lực hút nước, các bạn không nên dìm hẳn cái khuôn này xuống.

Trên đây là lời khuyên của mình về việc chọn lọc. Các loại lọc khác sẽ phù hợp với loại bể khác và cách chơi khác. Các bạn có thể tự tìm hiểu theo nhu cầu.

Chúc các bạn chọn được lọc phù hợp!

3 bình luận

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: Content is protected !!