Kinh nghiệm

Bể cá đục nước – Nguyên nhân, cách xử lí

Bể cá bị đục nước là hiện tượng ai cũng gặp phải. Bài viết sau đây sẽ giúp các bạn giải quyết hiện tượng này một cách đơn giản và tiết kiệm thời gian và công sức nhất có thể.

Bể cá đục nước do vi sinh

Bể thủy sinh, bể tép và bể cá rất hay gặp trường hợp nước không được trong, có màu mờ ảo trắng trắng như nước vo gạo. Hiện tượng này có tên là bacteria bloom (bùng nổ vi sinh), có thể xuất hiện ở bể mới làm và cả ở bể đã ổn định lâu.

Giải pháp cho cả 2 đều như nhau: bình tĩnh và đợi vi sinh tự giải quyết vấn đề này.

Ở bể mới, trong quá trình “chạy nước” (tức là chạy lọc trong bể không có cá, chỉ có cây, lũa và phần cứng khác), các bạn không cần phải làm gì cả. Đúng vậy, không cần làm gì, hiện tượng nước đục sẽ dần dần biến mất sau vài ngày.

Bể lúc mới làm và bể sau 10 ngày chạy nước. Lớp màng đục tự biến mất nhờ vào sự hoạt động của vi sinh.

Trong bể đã ổn định, giải pháp cũng không có gì khác ngoại trừ một điều duy nhất là lượng ammonia tăng vọt trong nước. Để giải quyết vấn đề này, các bạn cần dùng Seachem Prime theo đúng liều lượng và tiếp tục… chờ :))) (quá đơn giản phải không).

Bùng nổ vi sinh là gì?

Để hiểu về vấn đề này, chúng ta cần hiểu về 2 loại vi sinh vật sống trong bể nước. Để cho dễ hiểu, chúng ta sẽ gọi 2 loại này là vi sinh 1 và vi sinh 2 nhé :)))).

Vi sinh 1 là loại vi sinh ăn các vật chất hữu cơ, ví dụ như phân cá, thức ăn dư thừa, cá chết, cây chết và mọi loại vật chất hữu cơ khác trong nước. Có thể gọi đây là “vi sinh vật gây đục nước”, chúng lơ lửng trong nước và tạo ra hiện tượng đám mây màu trắng ở trong bể của bạn.

Vi sinh 2 là loại vi sinh ăn những vật chất vô cơ, ví dụ như ammonia, nitrit và nitrat. Đây là “vi sinh có lợi”, khá dễ hiểu đúng không nào?

Bùng nổ vi sinh xảy ra trong quá trình chạy nước cho bể mới là điều hoàn toàn bình thường. Bùng nổ vi sinh xảy ra do nguồn nước máy mới, giàu chất dinh dưỡng mà các bạn vừa thêm vào bể của mình.

Vật chất hữu cơ trong nước khiến vi sinh loại 1 phát triển và nhân đôi rất nhanh, rất nhanh ở đây là tính bằng phút, chúng có thể nhân đôi chỉ trong vòng 15-20 phút. Đây là loại vi sinh chúng ta không muốn có quá nhiều trong bể, bởi khi chúng phát triển quá nhanh, chúng ta có thể nhìn thấy bằng mắt thường (chính là những đám mây đục màu trắng ở trong bể).

Vi sinh 1 không chỉ ăn chất hữu cơ trong bể mới mà còn xuất hiện rất nhiều trong bể đã ổn định từ lâu (khi phân cá hoặc thức ăn thừa quá nhiều mà không được dọn đi).

Bể nước trong nhờ vi sinh hoạt động ổn định.

Cách xử lí bùng nổ vi sinh

Nhắc lại cho các bạn một chút, để giải quyết hiện tượng mây vi sinh trong bể mới, chúng ta không cần làm gì cả :))). Không cần thay nước, không cần cho thêm chất dinh dưỡng hoặc chất hóa học.

Việc thay nước thực ra sẽ khiến vi sinh 1 còn sót lại trong bể của các bạn nhân đôi nhanh hơn. Lí do rất dễ hiểu: thay nước đồng nghĩa với việc bỏ nước hết dinh dưỡng đi và thêm nước giàu dinh dưỡng vào lại, vi sinh 1 sẽ tận dụng cơ hội này để nhân đôi và hậu quả của thay nước chính là bạn “reset” vòng bùng nổ vi sinh lại từ đầu.

Ngược lại, nếu bạn chờ cho vi sinh 2 sinh sôi, mây vi sinh sẽ dần dần biến mất. Haha.

Bùng nổ vi sinh trong bể đã ổn định

Nếu hiện tượng bùng nổ vi sinh xuất hiện trong bể đã ổn định, điều đó có nghĩa rằng bể của bạn đã bị quá tải về chất hữu cơ dư thừa (cho ăn quá tay), cá thải ra quá nhiều phân hoặc bạn đột ngột cho thêm quá nhiều cá vào bể.

Vi sinh 2 cần thời gian để sinh sản, và do đó chúng sẽ không kịp xử lí lượng chất dư thừa trong nước. Những đám mây vi sinh bùng nổ trong nước có thể sẽ chiếm hết oxy trong nước và làm cá của bạn ngạt thở. Để giải quyết vấn đề này, các bạn có thể sử dụng Seachem Prime để trung hòa khí độc trong nước, giúp vi sinh 2 dễ dàng ăn chúng hơn (kiểu như bóc vỏ, gọt vỏ hoa quả thì ăn dễ hơn là tự bóc vậy).

Ngoài ra, trong trường hợp này, các bạn có thể bổ sung thêm sủi oxy để giúp cá thoải mái hơn.

Cần bao lâu hiện tượng này sẽ hết?

Khi tìm ra được nguyên nhân của hiện tượng vi sinh bùng nổ, các bạn có thể yên tâm xử lí hiện tượng này (vì chỉ cần chờ thôi mà :))) ). Ngoài ra, các bạn có thể hỗ trợ vi sinh bằng cách hút chất hữu cơ dư thừa, dọn xác sinh vật chết, cây chết. Các bạn có thể thêm chất làm ổn định nước (như Seachem Prime) và thêm sủi oxy nhé.

NHƯNGGGGG… CHỜ MÃI NƯỚC VẪN ĐỤC THÌ SAO?

Đây lại là một câu chuyện đau đầu khác các bạn ạ. Nếu nước vẫn đục và có hiện tượng ngả màu, thì khả năng cao không phải là do vi sinh mà do nước… bị tảo tấn công. Vậy để phân biệt đục tảo và bẩn vi sinh phải làm thế nào?

Nước bẩn và có mùi khó chịu là dấu hiệu cần phải thay nước.

Rất đơn giản, nước có tảo sẽ có mùi khó chịu, chất lượng nước càng ngày càng đi xuống. Ngoài ra, khi hút nước, các bạn sẽ thấy nước có màu (xanh rêu). Càng chờ càng đục (tầm 5-7 ngày) và không có dấu hiệu cải thiện. Trong trường hợp này, cách tốt nhất các bạn nên làm là thay nước từ 50%-70% để loại bỏ mầm tảo, giảm đèn, tiếp tục bổ sung vi sinh để chạy lại nước. Nếu có cá trong bể, có thể sơ tán sang chỗ khác để chờ nước ổn định trở lại.

Vấn đề tảo sẽ được mình viết cụ thể trong một bài viết khác.

Chúc các bạn mau xử lí được vấn đề nước đục trong bể thủy sinh.

Một bình luận

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: Content is protected !!