Chăm sóc bể

7 bước chăm sóc bể thủy sinh cần nhớ

Vừa làm xong một chiếc bể, chắc hẳn mỗi người đều cảm thấy thật tuyệt vời và nghĩ rằng như vậy là xong rồi, chỉ việc thả cá và cho ăn hàng ngày. Nhưng có lẽ các bạn không biết rằng, sự mệt mỏi thực sự chỉ bắt đầu sau khi cho nước vào bể. Làm thế nào để cây khỏe, cá ít ốm bệnh, bể ít rêu hại, đọc ngay bài viết này nhé!

Thay nước theo chu kỳ

Thay nước là việc cần thiết để bể thủy sinh của các bạn ổn định. Nguyên tắc rất đơn giản: hút chất bẩn, hút phân cá, dinh dưỡng thừa, mầm bệnh, mầm tảo, rêu hại ra khỏi bể và cung cấp thêm nước sạch, dinh dưỡng tốt quay ngược lại vào bể.

Thay bao nhiêu nước sẽ phụ thuộc vào mục đích của các bạn. Ví dụ bể ổn định, chỉ cần thay định kỳ 10-20% nước 1 tuần là đủ, thậm chí không cần thay. Nhưng bể bị dính thuốc xịt muỗi thì phải thay ngay lập tức 50-70%, thay 2-3 lần trong vòng 24h để khử độc.

Không vội vàng thả cá, tép số lượng lớn

Câu hỏi mình hay gặp được nhất khi mới làm xong bể là: “Bể không thả con gì à?”. Đúng vậy, khi mới làm bể các bạn đừng vội mua cá thả vào vì chắc là 99% cá sẽ chết dần chết mòn trong bể của bạn. Hệ vi sinh cần thời gian để khởi tạo, để làm quen dần với sự thay đổi trong môi trường. Hệ vi sinh phát triển hoàn chỉnh cần ít nhất 3-4 tuần, có những người chạy lọc nước tận 2 tháng mới thêm cá, tép.

Cá bệnh và chết vì môi trường nước không ổn định.

Hay nói tóm lại, để nuôi cá, nuôi cây, trước hết các bạn cần có một chiếc bể “khỏe mạnh”. Do đó, khi làm bể xong, các bạn nên tính toán và thả dần dần các loại cá vào bể. Ví dụ, muốn thả 100 con neon vào bể, các bạn có thể thử thả 10 con trước xem có thất thoát hao hụt không, rồi sau đó tăng dần số lượng 20-30 con 1 lần.

Để ý thời lượng đèn

Các bạn nên biết trong bể của mình trồng những cây gì, cá gì và nhu cầu ánh sáng của chúng là bao nhiêu. Ánh sáng mang lại năng lượng và dinh dưỡng cho bể thủy sinh. Khi năng lượng dư thừa, cây không hấp thụ hết (cá thì không hấp thụ ánh sáng rồi :))))))) ), rêu hại sẽ bùng phát rất nhanh. Nếu có hiện tượng này, các bạn nên cạo, lau sạch rêu, giảm đèn, thay nước.

Rêu hại xuất hiện vì dư ánh sáng.
Xử lí bằng cách cạo, lau rêu và giảm thời gian chiếu sáng.

Theo dõi nhiệt độ

Nhiệt độ nước là điều rất quan trọng, nhưng may mắn ở chỗ là cũng dễ theo dõi. Rất nhiều loại cây, cá cần mức nhiệt độ khác nhau. Ví dụ như rêu minifiss, rêu minitaiwan, rêu java,… sẽ héo dần và chết nếu nhiệt độ >30 độ. Tép lạnh chỉ sống tốt và sinh sản ở mức dưới 25-26 độ. Trong khi đó, nhiều loại cá yếu và chết khi nhiệt độ xuống dưới 20 độ.

Vì vậy, các bạn cần đảm bảo nhiệt độ bể phù hợp với TẤT CẢ các sinh vật trong bể.

Rêu chết vì nhiệt độ ngoài trời cao. Trong khi đó ráy vẫn phát triển tốt.

Cho cá ăn vừa phải

Các bạn không nên cho cá ăn quá nhiều và cá cũng không cần cho ăn nhiều trong bể thủy sinh. Thậm chí, cá có thể sống tốt cả tháng trong bể thủy sinh mà không cần cho ăn. Việc cho ăn là cách nhanh nhất để làm chất lượng nước đi xuống: thức ăn dư thừa, cá thải phân liên tục mà vi sinh không xử lí kịp, dẫn tới nồng độ khí độc gia tăng. Mỗi ngày hoặc cách ngày cho cá ăn 1 lần (đối với cá nhỏ) và cho ăn theo hướng dẫn (đối với cá lớn hơn) là đủ.

Liên tục châm vi sinh

Bổ sung vi sinh là cách tốt nhất để đảm bảo bể của bạn ổn định và trong vắt. Ngoài ra, chú ý KHÔNG nên vệ sinh lọc quá thường xuyên. Lọc và vật liệu lọc là nơi chứa vi sinh giúp khử các loại chất độc. Nếu vệ sinh lọc quá nhiều hoặc dùng nước máy có clo vệ sinh, vi sinh có lợi sẽ chết và các bạn lại tốn một khoảng thời gian lớn để phục hồi lượng vi sinh này.

Hạn chế động tay vào bể

Khi mới chơi thủy sinh, các bạn sẽ có xu hướng muốn thay đổi bố cục, nội thất bể, động tay vào lọc, bông lọc, thay nước khi thấy nước đục. Việc này là hoàn toàn bình thường, tuy nhiên không có lợi cho bể vì bể của các bạn cần sự ổn định. Do đó, các bạn chỉ nên bổ sung vi sinh, thay nước hoặc thêm dinh dưỡng cho cây khi cần thiết. Còn lại thì không nên tác động vào bể.

Chúc các bạn thành công! Nếu còn thắc mắc, các bạn có thể comment ngay bên dưới nhé.

Một bình luận

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: Content is protected !!